Khi định kiến vùng miền cản trở tình duyên
Định kiến vùng miền là câu chuyện muôn thủa và có ở muôn nơi. Không bàn đến chuyện đúng sai trong những ý kiến này bởi mỗi người chúng ta đều có đầy đủ lý lẽ cũng như bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình.
Mỗi người đều có lý lẽ riêng bảo vệ quan điểm của mình cho các định kiến phân biệt vùng miền
Bài viết dưới đây, mình muốn cung cấp cho các bạn một số thông tin về định kiến vùng miền tại Việt Nam hiện nay cũng như kể cho các bạn nghe một số câu chuyện mà định kiến vùng miền ảnh hưởng đến cuộc sống của các nhân vật trong câu chuyện, đặc biệt trong tình yêu đôi lứa và hôn nhân gia đình.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu những điểm khái quát về định kiến vùng miền.
1. Định kiến vùng miền là gì
1.1. Khái niệm định kiến, định kiến vùng miền và khác biệt vùng miền
Theo Wikipedia, định kiến là ý nghĩ cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp. Định kiến của một tập thể, một nhóm người, một xã hội, thường được gọi là định kiến xã hội.
Định kiến rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Định kiến có thể dựa trên các yếu tố bao gồm giới tính, chủng tộc, tuổi tác, khuynh hướng tình dục, quốc tịch, địa vị kinh tế xã hội và tôn giáo… Một số ví dụ về định kiến như:
– Định kiến về con người qua vẻ bề ngoài (ví dụ những người xăm mình thường bị nhận định là dân anh chị, hổ báo, xã hội đen)
– Định kiến xã hội về những người thuộc giới tính thứ 3 (nhiều người coi người thuộc giới tính thứ 3 là người bị bệnh)
Định kiến vùng miền là những quan điểm về một vùng miền nào đó của cộng đồng nơi bạn sinh sống, có trước khi bạn sinh ra và bạn “thừa hưởng” trong quá trình sống và học ở đó.
Định kiến vùng miền giữa miền Bắc và miền Nam
Ví dụ đa phần người Sài Gòn ghét người Hà Nội vì nghĩ người Hà Nội chảnh, thượng đẳng; một vài công ty tuyển dụng ghi rõ không nhận người Thanh Hóa, Nghệ An do định kiến người dân nơi đây dễ kích động đình công, xấu tính, dễ bị đâm sau lưng…
Mỗi địa phương, do đặc điểm địa lý, lịch sử hình thành và phát triển, nên sẽ có ít hoặc nhiều các yếu tố đặc trưng, phân biệt với các địa phương khác. Đó có thể là giọng nói, phong tục, thói quen, quan niệm, cách ăn mặc hay một số tính cách được cho là phổ biến tại địa phương đó. Đó chính là khác biệt vùng miền.
Như vậy, khác biệt vùng miền là điều hiển nhiên, và định kiến vùng miền cũng là lẽ dĩ nhiên của tâm lý con người. Tuy nhiên, nếu ta đặt nặng những định kiến vùng miền đó trong người thì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Xem thêm:
- 8 Kiểu Phụ Nữ Yêu Vào Thì Cứ Xác Định Số Bạn Quá Đen
- Bật Mí: 47 SỰ THẬT về Tâm Lý Đàn Ông mà Phụ Nữ phải biết
- Tại sao con người lại thích đi đường tắt? Mặt lợi và mặt hại của nó là gì?
1.2. Bức tranh định kiến vùng miền tại Việt Nam
Một vài định kiến đang tồn tại ở Việt Nam mà hầu như chúng ta ai cũng kể ra được đó là:
- Người miền Nam và miền Tây thích ăn không thích làm, hoang phí, vung tay quá trán
- Người miền Trung bủn xỉn, xấu tính.
- Người miền Bắc nổi tiếng giàu có nhưng hay để ý, soi mói nhau; đàn ông trong gia đình thì có tính gia trưởng.
- Người Nghệ An bị gọi là cá gỗ để chỉ sự hà tiện.
- Dân Thanh Hóa “ăn rau má phá đường tàu” với ý nghĩa mỉa mai: Người Thanh Hóa có tính ăn người, keo kiệt lại bẩn tính
- …
Định kiến vùng miền – người Thanh Hoá bị kỳ thị
Có thể nói đây là những định kiến đã có từ rất lâu đời và hầu hết những định kiến này đều mang nghĩa tiêu cực. Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa thì ý nghĩa đằng sau đó lại không tiêu cực thậm chí còn có ý nghĩa ngược hẳn lại.
Ví dụ:
- Miền Nam bởi đặc thù nhiệt độ nắng ấm, mưa thuận gió hòa quanh năm, đất đai màu mỡ, họ không phải lo lắng về cái ăn cái mặc nên tính cách rất phóng khoáng và sởi lởi.
- Đối với người dân miền Trung, họ luôn phải hứng chịu các cơn thịnh nộ của thiên nhiên nên họ luôn trong tình trạng nay ăn mà đã lo luôn ngày mai sẽ ăn gì, cuộc sống vất vả khiến họ phải tính toán, chi li trong cuộc sống để có thể đối mặt với bao khó khăn thiên tai.
- Ảnh hưởng bởi nho giáo ngày xưa trong thời kỳ bị Trung Quốc đô hộ, người đàn ông miền Bắc và miền Trung khá “gia trưởng” còn người miền Nam, họ ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây nên họ khá thoải mái.
- Người dân Nghệ An bị gọi là cá gỗ (mang nghĩa tiêu cực chỉ sự hà tiện, vắt cổ chày ra nước) nhưng câu chuyện phía sau lại như thế này: “Xưa có anh học trò nghèo, đi thi xa nhà, không có tiền mua thức ăn ăn nên đã nghĩ ra cách làm con cá gỗ, mỗi bữa cơm cũng chiên rán nấu canh ăn, cuối bữa lại rửa con cá lại, nấu lần khác. Sau này đỗ đạt thì kể lại chuyện lúc nghèo khổ.” Cá gỗ như vậy là chỉ ý chí quyết tâm vượt gian khó của người dân xứ Nghệ – vùng đất cằn sỏi, nhiều thiên tai, con người phải chắt chiu dè sẻn nhưng lại rất hiếu học.
- Còn với câu “ăn rau má phá đường tàu” để nói về người dân Thanh Hóa thì có hai câu chuyện giải thích ý nghĩa ý nghĩa:
+ Câu chuyện thứ nhất: Ngày xưa, khi Pháp xâm chiếm nước ta, khai thác tài nguyên, vơ vét sản vật của ta để dễ dàng vận chuyển chúng xây dựng đường sắt. Người dân Thanh Hóa căm thù giặc sâu sắc nên đã tổ chức phá đường sắt.
Quan huyện vốn là người yêu nước khi bị Pháp truy hỏi vì sao đường sắt xây mãi không xong, quan bèn lên tiếng bao che cho người dân: “Dân khổ quá không có gì ăn nên phải ăn rau má, mà rau má trên đường tàu vừa nhiều, non và ngon nhất. Dân tôi không cố ý đâu ạ”.
+ Câu chuyện thứ hai: Thời kháng chiến chống pháp. Người Thanh Hóa gian khổ phải ăn cây rau má cầm hơi nhưng vẫn luôn giữ vững tinh thần chiến đấu phá đường tàu Pháp để lấy sắt rèn đao, kiếm, súng ống phục vụ cho kháng chiến.
Như vậy câu nói “Ăn rau má phá đường tàu” của người dân Thanh Hóa là sự ca ngợi người dân xứ Thanh với tấm lòng yêu nước thiết tha, dù khổ cực vất vả phải ăn rau má thay cơm vẫn hiên ngang, anh dũng đứng lên chống lại giặc ngoại xâm.
Chỉ cần để tâm tìm hiểu một chút, bạn sẽ có cái nhìn đúng về những câu nói ám chỉ một con người của một vùng miền nào đó.
Xem thêm:
- 4 ý tưởng lãng mạn cho tình yêu thêm gắn bó mỗi ngày!
- 7 Sự Thật “Đau Lòng” Khi Nghiên Cứu Tâm Lý Học Tình Yêu
- Trong Tình Yêu Trong Hôn Nhân, Có 3 Thứ Phụ Nữ Muốn Làm; 3 Thứ Đàn Ông Cần
1.3. Tại sao lại có định kiến vùng miền?
Các bạn ạ, cơ sở hình thành định kiến chính là các khuôn mẫu.
Khuôn mẫu là các phạm trù mô tả được giản hóa, mà chúng ta tìm cách đặt người khác hay các nhóm người khác vào trong một khung cảnh cụ thể để nhìn nhận, đánh giá họ được dễ dàng. (Ví dụ thời xưa, con người cần sự đánh giá nhanh chóng để có thể tồn tại ở môi trường khắc nghiệt và nhiều nguy hiểm.)
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người, và để nhận định một người thì chúng ta cần rất nhiều thời gian. Do đó, một phần để tránh tổn thất cả về vật chất cũng như tinh thần, tình cảm; chúng ta thường có xu hướng đánh giá người đó trước qua vùng miền. Đó là một cách để chúng ta tự vệ.
Định kiến vùng miền là đúng hay là sai?
Khi chúng ta nghĩ người Nam Định hay ăn cắp vặt thì tất nhiên chúng ta sẽ đề phòng họ. Khi nói người miền Nam ham ăn lười làm hay người đàn ông Bắc gia trưởng, thì tất nhiên chúng ta sẽ cân nhắc trước khi đưa ra sự lựa chọn đúng.
Các khuôn mẫu giúp chúng ta có sự đánh giá nhanh chóng nhưng nó cũng có mặt hại của nó. Bởi vậy, hãy giữ những định kiến vùng miền ở 1 mức vừa phải, tỉnh táo khi đưa ra nhận định về một người nào đó. Nếu không nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ của chúng ta. Đặc biệt là mối quan hệ trong tình yêu đôi lứa, hôn nhân gia đình.
2. Những ảnh hưởng của định kiến vùng miền trong tình yêu đôi lứa
2.1. Định kiến vùng miền khiến chúng ta bỏ lỡ “Mr Right” của đời mình
Tâm và Trường học cùng lớp tại trường Đại học Hà Nội. Trong lớp 2 người cũng ít nói chuyện với nhau. Trong những lần đi làm tình nguyện cùng đoàn trường, Tâm thấy Trường là một người con trai rất chu đáo, nhanh nhẹn. Còn Trường, Trường cũng thấy Tâm là người con gái hiền lành, cẩn thận nên ngỏ ý muốn làm quen.
Tâm dù cũng yêu thích Trường lại đắn đo và quyết định từ chối bởi Trường là người Thanh Hóa. Nghĩ đến lời mẹ thường hay nói dân Thanh Hóa xấu tính, hà tiện,… Tâm quyết định gạt bỏ suy nghĩ muốn làm quen với Trường.
Sau đó nửa năm, Trường có người yêu. Trong suốt thời gian đại học, nhìn Trường quan tâm, chăm sóc người yêu, Tâm cảm thấy rất hối hận vì mình đã bỏ lỡ một người có thể là “Mr Right” của đời mình.
Việt Nam với lịch sử nghìn năm dựng và giữ nước, với diện tích kéo dài với đủ các vùng miền từ vùng núi cao, đến đồng bằng và các vùng ven biển. Miền Nam có 2 mùa mưa, nắng; miền Bắc thì có 4 mùa xuân, hạ, thu đông; miền Trung lại chịu biết bao tai ương do thời tiết đem lại bởi vị trí gần biển…
Định kiến vùng miền có thể khiến bạn bỏ lỡ một nửa của đời mình
Lịch sử phát triển mỗi vùng cũng có sự khác biệt, các nét văn hóa cũng riêng biệt. Do đó sự khác biệt trong việc giao tiếp hàng ngày, cách ứng xử, hành động, lời nói cũng khác nhau. Vậy tại sao chúng ta lại đem những sự khác biệt đó trở thành rào cản khiến chúng ta không dám tiến tới một mối quan hệ nào đó?
Hãy là những người trẻ tỉnh táo, là những người trẻ của thế hệ mới, một thế hệ nói không với những suy nghĩ tiêu cực, những định kiến một chiều khiến kìm hãm sự phát triển của chính chúng ta cũng như của đất nước các bạn nhé.
Thật đáng buồn khi bạn để những định kiến vùng miền khiến cho bạn đánh rơi mất một tình yêu đẹp và có thể là người bạn đời tốt nhất của mình đúng không?
Xem thêm:
- Giải Mã Tâm Lý Học Tội Phạm Tình Yêu – Tác Nhân Giết Chết Tình Yêu
- Giải Mã Tâm Lý Học Tình Yêu Sét Đánh
- Tâm Lý Học Tình Yêu Nam Giới Và 2 Điều Bạn Không Thể Bỏ Qua
2.2. Định kiến vùng miền khiến đôi lứa bị gia đình ngăn cấm
Lê Thị H (28 tuổi) sinh ra và lớn lên ở miền tây Nam Bộ Kiên Giang, nơi có cuộc sống chân chất và phóng khoáng. Sau thời gian 2 năm tìm hiểu nhau khi cùng làm tại một công ty ở Sài Gòn, H và người yêu của H quyết định tính đến chuyện lâu dài.
Trước khi đưa người yêu về ra mắt gia đình, H đã có cuộc nói chuyện riêng với bố mẹ. Câu chuyện vẫn thoải mái, vui vẻ cho đến khi H nói người yêu là người miền Bắc.
Mẹ H thay đổi ngay thái độ, kiên quyết yêu cầu H nên chia tay với người yêu. Không hiểu chuyện gì xảy ra, H gặng hỏi thì mẹ H nói rằng: Lấy chồng Bắc khổ lắm, xung quanh hàng xóm có mấy nhà con gái lấy chồng Bắc đều không hạnh phúc, người thì đã ly hôn, người thì đang tính chuyện ly hôn, còn có người thì suốt ngày cãi vã. Mẹ H bảo con trai Bắc rất gia trưởng, bảo thủ, bố mẹ chồng thì khó tính, khó chiều, không dễ để hòa đồng.
Dù đã giải thích với mẹ rất nhiều rằng người yêu của mình là một người rất tốt, hiền lành và yêu thương mình nhưng điều H nhận lại chỉ là cái lắc đầu của mẹ. Thế là chưa trọn vẹn niềm vui khi chuẩn bị ra mắt người yêu với ba mẹ, giờ đây H và người yêu H phải tìm cách để có được cái gật đầu từ ba mẹ H trước. Chặng đường gian nan hơn cho tình yêu của 2 đứa.
Định kiến vùng miền dẫn đến gia đình ngăn cấm yêu đương
Định kiến vùng miền đã khiến nhiều bố mẹ có ác cảm và những nhận định không khách quan về người yêu của con mình. Thành kiến đã tồn tại từ rất lâu đời, do đó không dễ để thay đổi trong 1 sớm 1 chiều. Bạn cần phải rất kiên trì. Và đây là vấn đề thách đố thế hệ trẻ muốn bảo vệ tình yêu của mình.
Để bố mẹ thay đổi thái độ, ủng hộ mối quan hệ của 2 người thì có lẽ điều quan trọng nhất đó là khiến bố mẹ thay đổi cách nhìn về người yêu của mình trước. Một vài cách bạn có thể tham khảo đó là:
- Tạo điều kiện để người yêu thể hiện được những điểm tốt của bản thân mình, ghi điểm với bố mẹ;
- Kiên trì, kiên nhẫn dù thái độ của bố mẹ có như thế nào;
- Cho bố mẹ xem những tấm gương tốt tại vùng đất quê hương của người yêu;
- Tìm người trung gian có uy tín với bố mẹ để nhờ họ giúp đỡ…
Hãy cư xử 1 cách khéo léo, lễ độ, mọi cuộc trao đổi trò chuyện đều phải được diễn ra trong một không khí nhẹ nhàng, chân thành. Chính thái độ căng thẳng, thiếu tôn trọng của mình với bố mẹ lại càng khiến cho bố mẹ càng có ác cảm với người yêu của mình.
Giá trị cốt lõi của hôn nhân – là xây dựng hạnh phúc gia đình. Bởi vậy dù bạn xuất thân từ vùng miền nào thì đều không quan trọng. Quan trọng là bản thân người mình yêu, người mình sẽ lấy. Họ có phù hợp với gia đình mình hay không, họ có phù hợp với mình không và 2 người có yêu thương, tôn trọng và cùng nhau vun vén cho gia đình hay không.
3. Khác biệt văn hóa vùng miền cũng khiến bao gia đình lao đao
Sự khác biệt vùng miền, cụ thể hơn là sự khác biệt trong văn hóa, giao tiếp hàng ngày giữa 3 miền Bắc, Trung, Nam đã khiến không biết bao nhiêu cặp vợ chồng rơi vào tình huống dở khóc dở cười, có những tình huống nghiêm trọng khiến cho gia đình tan vỡ.
Có những cô dâu miền Nam, đến lúc về ở nhà chồng miền Bắc, ngày 3 bữa phải nấu cơm, gặp người lớn phải chào, trước khi ăn phải mời, sau khi ăn phải lấy tăm cho người lớn, chi tiêu phải tiết kiệm, phần lớn lại gặp mẹ chồng có tâm lý con trai không phải làm gì, mọi thứ con dâu làm hết khiến bị sốc.
Hay có những anh trai miền Bắc lấy vợ miền Nam. Các cô vợ miền Nam thường tiêu pha quá tay, không biết vun vén nhà cửa cũng khiến các anh chàng lo lắng và thất vọng…
Có rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác nói lên khác biệt văn hóa, cách giao tiếp ứng xử của mỗi vùng miền. Điều này khiến những gia đình nhỏ trước khi kết hôn không chuẩn bị tâm lý vững vàng thường xảy ra cãi vã, thậm chí đổ vỡ.
Định kiến vùng miền khiến gia đình dễ bất hoà, li tan
Mỗi vùng miền có địa lý và lịch sử hình thành phát triển khác nhau. Điều này ảnh hưởng rất sâu sắc đến cách hành xử hàng ngày của người dân vùng đó.
- Người miền Bắc thì đặc biệt chú trọng đến bữa ăn, đến chất lượng, số lượng món ăn, đến cách ăn. Bữa ăn được coi là bữa sum họp không thể thiếu của gia đình. Bữa ăn cũng là một cách để giáo dục, hình thành cách sống, cách hành xử của mỗi người. Để từ đó có các câu thành ngữ ra đời như “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, “ăn cho nên đọi nói cho nên lời”.
- Nói về vun vén nhà cửa, gia đình tươm tất, sạch sẽ, mọi thứ đâu vào đấy thì phải kể đến người phụ nữ Trung bộ. Về chăm lo miếng ăn giấc ngủ, hy sinh cho chồng con, người vợ miền Bắc ở hàng đầu. Và bươn chải bên ngoài, năng động, nhanh nhạy, không ai bằng người phụ nữ miền Nam.
Còn rất nhiều, rất nhiều điều khác biệt trong văn hóa của các vùng miền. Nhưng thay vì cảm thấy đây là rào cản, chúng ta nên cho rằng đây là trải nghiệm và cuộc đời con người sẽ có ý nghĩa hơn khi trải qua nhiều trải nghiệm khác nhau.
Câu nhập gia tùy tục luôn đúng trong các gia đình có sự khác biệt vùng miền giữa 2 vợ chồng. Khi đã quyết định theo vợ (chồng), thì mình cũng phải chuẩn bị tinh thần là “theo” cho trọn vẹn.
Nếu chúng ta yêu thương vợ (chồng) mình, hãy nhiệt tình giúp đỡ để vợ (chồng) mình có thể hòa nhập nhanh vào cuộc sống mới với mọi thứ khác biệt trước đây như thói quen ăn uống, ứng xử, công việc.
Tôn trọng sự khác biệt của nhau nhưng vẫn phải dung hòa với cái mới. Không nên quá nguyên tắc bắt nửa kia phải thay đổi theo mình.
Để giữ hạnh phúc, hai vợ chồng nên ngồi xuống với nhau giải quyết những vấn đề liên quan đến sự khác biệt vùng miền, để cả 2 cùng thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.
Hai vợ chồng cần phải thấu hiểu và cố gắng nhiều hơn để có thể giữ vững hạnh phúc gia đình
Để tránh bỡ ngỡ hoặc có những mâu thuẫn vì sự khác biệt văn hóa vùng miền thì trước khi đi đến quyết định kết hôn, hãy tìm hiểu nhau thật kỹ và thẳng thắn với nhau mọi mặt, kể cả là những điều nhỏ nhất trong cuộc sống.
Một trong những yếu tố quyết định hạnh phúc là phải tìm hiểu đối phương thật kỹ trước khi tiến đến hôn nhân. Gia đình đối phương thế nào, nếp sống, sinh hoạt, thói quen, ứng xử của họ ra sao. Mỗi cuộc hôn nhân là một cuộc hội nhập giữa những con người xa lạ, và nó kéo dài có khi hết đời. Trong đó, yếu tố hòa hợp về văn hóa là quan trọng nhất.
Hiểu được văn hóa, người ta sẽ nhìn nhận những khác biệt đó bằng tất cả sự cảm thông, thấu hiểu, để mỗi khi đối diện với một hành xử trái ngược của người chồng hay người vợ, chúng ta sẽ không phải sốc, bỡ ngỡ, hay bất bình, mà sẽ biết thông cảm, thấu hiểu, và lúc đó mới có thể mở lòng ra để yêu thương họ…
Một số lời khuyên nhỏ dành cho những gia đình này đó là:
- Tập làm quen với những thói quen, thử nghiệm các món ăn của vùng miền của vợ (chồng) bạn để sau này không bị bỡ ngỡ. Điều này tuy không dễ nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được với sự giúp đỡ của nửa còn lại của mình.
- Hạn chế “cái tôi” sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thông cảm hơn với mọi người.
- Không quá kỳ vọng một cuộc sống hoàn hảo theo ý mình ở môi trường mới. Bạn cần kiên nhẫn và có thời gian để thực hiện từng bước một.
- Bạn nên nhớ không có gì là bất biến, chỉ cần có thời gian và cách thức khéo léo, bạn sẽ tìm ra cách để có thể sống thoải mái.
Do có sự khác biệt vùng miền nên tạo nên mỗi vùng miền lại có nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng và nó là cơ hội để chúng ta trải nghiệm cũng như học hỏi những điều thú vị vượt ngoài nơi chúng ta sinh ra và lớn lên.
Hãy trở thành con người của thời đại mới với những suy nghĩ mới, hiện đại, một tâm lý vững chắc và luôn hướng đến điều thiện để chúng ta không bỏ lỡ bất cứ một mối quan hệ tốt đẹp nào hoặc biết suy nghĩ cho người thân của mình hơn, qua đó có những cách ứng xử phù hợp và khéo léo khi người bạn đời của mình phải xa quê để sống cùng mình và gia đình mình.