5 Hiểu Lầm Thường Gặp Về Nỗi Cô Đơn
Cô đơn nay đang được coi là một đại dịch của thời hiện đại. Nhưng liệu căn bệnh này có ngày càng trở nên tồi tệ hơn không?
Tại thời điểm nào đó trong đời, chúng ta rất có thể cảm thấy cô đơn. Đây là vấn đề được báo chí nhắc tới nhiều.
Tại Anh thậm chí còn có cả một vị trí mới trong chính phủ, Thứ trưởng phụ trách vấn đề cô đơn, chuyên trách phối hợp với các bộ ngành để xử lý, giải quyết vấn đề.
Đây là một chủ đề quan trọng, vốn gây ra nhiều điều bất hạnh. Tuy nhiên, có khá nhiều đồn đoán loạn nhịp về nó. Dưới đây là năm cách hiểu sai mà nhiều người vấp phải nhất khi nói tới căn bệnh cô đơn.
1) Cô đơn là cô độc, bị cách ly khỏi người khác
Cảm giác cô đơn không giống như cảm giác cô độc, chỉ có một mình.
Cô đơn là cảm giác mình bị tách biệt, không có mối liên hệ gì với người khác. Đây là tâm trạng không có ai xung quanh thực sự hiểu bạn và bạn không có những mối quan hệ mang nhiều ý nghĩa đối với bạn.
Cô độc có thể là một yếu tố khiến bạn thấy cô đơn, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Bạn có thể cảm thấy cô đơn ngay khi đứng giữa đám đông, cũng như bạn có thể cảm thấy hoàn toàn vui vẻ, hài lòng, thậm chí dễ chịu khi có những khoảng thời gian chỉ có một mình, không ai khác quấy rầy bên cạnh.
Khi BBC tiến hành cuộc thử nghiệm về nghỉ ngơi hồi 2016, Rest Test, năm hoạt động nghỉ ngơi phổ biến nhất chính là các hoạt động được thực hiện một mình. Đôi khi chúng ta muốn được ở một mình. Nhưng nếu ta không có điều kiện để chia sẻ thời gian rảnh rỗi, thư giãn với những người hiểu mình, thì đó là lúc tâm trạng cô đơn sẽ xuất hiện.
Xem thêm :
2) Cô đơn đang là đại dịch
Cô đơn rõ ràng đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là hiện nay có nhiều người cảm thấy cô đơn hơn so với vài năm trước.
Dựa vào các nghiên cứu được thực hiện từ 1948, Christina Victor từ Đại học Brunel đã cho thấy rằng tỷ lệ người cao tuổi rơi vào tình trạng cô đơn triền miên vẫn duy trì ở mức ổn định trong suốt 70 năm qua, với 6-13% nói rằng họ hầu như lúc nào cũng cảm thấy mình cô đơn.
Con số thực tế những người mắc phải tâm trạng này tăng lên đơn giản là bởi thế giới giờ đông người hơn trước.
3) Cô đơn luôn là tâm trạng tồi tệ
Cảm giác cô đơn khiến người ta đau buồn. Nhưng tin tốt ở đây là đó chỉ là trạng thái tạm thời, và ta không nên lúc nào cũng nhìn nhận nó một cách tiêu cực. Thay vào đó, nó có thể là dấu hiệu khiến chúng ta tìm kiếm thêm bạn bè mới, hoặc tìm cách cải thiện những mối quan hệ đang có.
Khoa học gia chuyên nghiên cứu về thần kinh và xã hội, John Cacioppo, lập luận rằng chúng ta tiến hóa để trải nghiệm tâm trạng cô đơn nhằm giúp bản thân duy trì các mối quan hệ với những người khác.
Ông so sánh điều này với cơn khát. Nếu bạn thấy khát bạn sẽ đi tìm nước uống. Nếu bạn thấy cô đơn bạn sẽ đi tìm kiếm người khác.
Xem thêm : Giải mã trái tim với tâm lý học tình yêu cơ bản
Trong hàng ngàn năm, nhân loại đã được an toàn bởi chúng ta tồn tại thành những nhóm, cụm cùng nhau, cho nên nhu cầu sinh tồn khiến chúng ta tìm cách xây dựng những mối liên hệ với nhau.
Tuy cô đơn thường là trạng thái tâm lý tạm thời, nhưng nếu nó kéo dài kinh niên thì các hậu quả phát sinh có thể sẽ nghiêm trọng. Có những bằng chứng thuyết phục cho thấy nó có thể làm suy giảm sức khỏe, tác động tới chất lượng giấc ngủ, và dẫn tới trạng thái buồn bã.
Nó cũng có thể dẫn đến vòng xoáy sai lầm, là những người cảm thấy cô đơn sẽ rút lui khỏi các hoạt động xã hội, và điều đó lại khiến họ càng cảm thấy cô đơn hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu một người cảm thấy cô đơn thì nguy cơ người đó có các triệu chứng trầm cảm vào một năm sau đó sẽ cao hơn.
4) Cô đơn khiến sức khỏe suy giảm
Xem thêm : 6 Sắc Thái Tâm Lý Của Chàng Trai Khi Tán Tỉnh Ai Đó
Vấn đề này có phần phức tạp hơn. Ta thường thấy các số liệu được trích dẫn về ảnh hưởng của tâm trạng cô đơn đối với sức khỏe con người. Việc xem xét kết quả nghiên cứu này cho thấy tâm trạng cô đơn có thể làm tăng tới gần một phần ba nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ; những người cô đơn bị cao huyết áp và tuổi thọ thấp hơn.
Đây là những kết quả nghiêm trọng, nhưng có nhiều nghiên cứu được thực hiện đan chéo cho nên chúng ta không thể khẳng định chắc chắn được nguyên nhân.
Có thể những người bị cách ly, không vui vẻ thì nhiều khả năng trở nên ốm bệnh hơn. Nhưng cũng có thể là ngược lại.
Con người ta có thể trở nên cách ly và cô đơn bởi họ đã trong tình trạng sức khỏe kém sẵn, lý do khiến họ không có các giao lưu, quan hệ xã hội.
Hoặc những người cô đơn có thể được nhắc tới nhiều hơn trong các số liệu như nhóm người kém khỏe mạnh hơn các nhóm khác bởi sự cô đơn khiến họ mất đi động cơ tự chăm sóc sức khỏe bản thân.
Và tất nhiên không nhất thiết phải là tình trạng này dẫn đến tình trạng kia, mà có thể đó là trạng thái hai chiều qua lại.
5) Hầu hết những người cao tuổi là những người cô đơn
Xem thêm : Những Cách Để Bạn Xoa Dịu Cơn Tức Giận
Cô đơn là tâm trạng phổ biến ở tuổi già hơn so với các lứa tuổi khác ở người trưởng thành, nhưng trong quá trình tìm hiểu về sự cô đơn, Pamela Qualter từ Đại học Manchester thấy rằng nó cũng xảy ra vào những thời điểm nhất định ở tuổi thanh niên.
Bên cạnh đó, có các nghiên cứu cho thấy 50-60% người cao tuổi không thường xuyên cảm thấy cô đơn.
Từ chối trách nhiệm
Nội dung bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin chung chung, không thay thế cho cho các tư vấn về chăm sóc sức khỏe từ bác sỹ hay các chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm về các triệu chứng mà độc giả gặp phải do làm theo các thông tin nêu trong bài, cũng không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu, được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.
Theo BBC
Trở Về Trang: Tâm Lý Học Hiện Đại