Vì Sao Theo Tình Tình Chạy – Hội Chứng Nghiện Yêu (love addiction)
Hội chứng nghiện yêu (love addiction) hay còn gọi là vấn đề mà một người luôn tìm kiếm sự phụ thuộc tình cảm và giá tri bản thân ở một người khác (codependent).
Nghe qua thì có vẻ bình thường và xuất hiện ở khắp nơi nhỉ? Ai mà chả từng trải qua cảm giác chìm đắm trong tình yêu? Tuy nhiên, đây là một vấn đề cần được hiểu rõ bởi những người đang chịu đựng những sự hành hạ, dày vò của nó và cần được thấu hiểu bởi những người ngoài.
“Những đặc điểm khiến bạn bị đối phương thu hút hay những điều bạn hâm mộ từ người bạn đời, thực ra chính là thứ mà bạn trước tiên phải tìm kiếm cho bản thân mình”
“Những thứ mà bạn đang tìm kiếm ở người khác, thực ra chúng cũng đang tìm kiếm lại bạn”
Đối với những người nghiện yêu, luôn luôn tìm kiếm tình yêu và không khi nào họ có thể ở trong tình trạng độc thân, TÌNH YÊU chính là GIÁ TRỊ của họ. Tình yêu giống như là minh chứng cho sự tồn tại của họ, cho sự quý trọng của bản thân họ. Thiếu đi nó, họ thậm chí còn có cảm nhận rằng mình không hề tồn tại.
Đối với những người này, người yêu của họ giống như một tấm gương soi chiếu, như một điều mà họ cần có cho bản thân. Khi nhìn thấy người yêu, họ cảm nhận được bản thân mình cũng tuyệt vời, cũng đáng được trân trọng và đáng được yêu thương.
Những cô gái, chàng trai luôn nhảy từ mối quan hệ tình cảm này sang một mối quan hệ khác thực ra có thể họ không hề đa tình hay phong lưu, hay buông thả bản thân. Mà thực sự họ đang lạc lối trong cảm xúc của mình, họ tìm kiếm sự tồn tại của mình từ tình yêu và sự quan tâm của người khác.
Nguyên nhân sâu xa ở đây là những thiếu vắng tình cảm từ bố mẹ hoặc gia đình lúc nhỏ, thiếu đi sự quan tâm chăm sóc và gần gũi. Tìm kiếm tình yêu giống như cách họ chạy trốn khỏi nỗi cô đơn, họ không có khả năng hoặc không dám đối diện với bản thân họ.
Họ cảm thấy có một thứ gì đó trống vắng trong lòng và họ nghĩ rằng khi tìm đúng người, người đó sẽ lấp đầy khoảng trống bên trong đó, kéo họ ra khỏi những sợi tơ lòng rối rắm, giải thoát họ khỏi những đau khổ trong cuộc sống mà chính họ cũng không hiểu là gì.
Có rất nhiều dấu hiệu được chỉ ra cho vấn đề này, ở đây mình sẽ chọn ra những giải thích phổ biến nhất:
– Bạn sinh ra và lớn lên từ gia đình thiếu vắng sự quan tâm, khi mà bố mẹ bạn không cho bạn đủ những cảm xúc công nhận, yêu thương, cổ vũ lúc bạn cần.
Có nghĩa là cho dù bạn lớn lên từ một gia đình hoàn chỉnh, tuy nhiên, chỉ cần bố mẹ bạn luôn luôn bỏ qua ý kiến của bạn và chỉ tập trung làm điều họ muốn, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tìm kiếm tình yêu.
Việc quen với sự phớt lờ, quen với những đòi hỏi vô cớ và quen với cảm giác chịu đựng , hi sinh khiến họ không biết rằng họ đang tiếp tục bị dính vào một con đường tương tự.
– Luôn yêu thương người yêu của mình bằng tất cả những tình cảm mà bạn chưa bao giờ được nhận lấy từ lúc lớn lên
– Họ dễ dàng chọn những người yêu có các vấn đề giống họ, ví như tâm trạng không ổn định, giận dỗi vô cớ, dễ tức giận hay không biết điều khiển cảm xúc,.. Nếu như bạn thiếu đi tình cảm của cha hoặc mẹ, bạn sẽ dễ dàng đồng cảm và đến với những người có cùng hoàn cảnh.
Điều này được khoa học khuyến nghị rằng: một người nên chọn một người có cảm xúc an toàn hơn họ để có thể học được cách chăm sóc bản thân theo một cách mới tích cực hơn.
– Bạn sẽ luôn cố gắng “chữa lành” và “cứu rỗi” người yêu của họ bằng cách cho người đó tất cả mọi thứ, tất cả thời gian, cảm xúc và cả kinh tế.
Họ sẽ làm mọi thứ chỉ để người kia thấy thoải mái và công nhận giá trị của họ. Họ nghĩ rằng những thứ họ cho người kia chính là những thứ mà người đó đang cần, nhưng thực ra không phải ai cũng cần những điều giống nhau trong cuộc đời.
– Họ che giấu nhữg điều xấu hoặc không tốt mà người yêu đã đối xử với họ, vì họ tự lừa dối chính mình rằng người yêu của họ cũng cần được thấu hiểu và săn sóc.
– Họ sợ bị bỏ rơi nhất trên đời, cho nên họ sẵn sàng ném luôn gíá trị của bản thân qua cửa sổ.
Việc liên tục chạy Theo tình yêu khiến họ không tập trung vào việc khám phá bản thân, thay vì dừng lại và hỏi xem bản thân mình muốn gì, họ lại luôn tìm xem người yêu/ người thu hút họ muốn gì.
Họ dùng tất cả sự trân trọng và tình cảm mà họ có để dâng trao cho người đó, quan tâm người đó và hi vọng rằng sự hi sinh của họ sẽ được người kia bù đắp lại với số lượng ngang ngửa.
Một người mang trong mình suy nghĩ “tìm một người để che lấp đi sự cô đơn của bản thân” hoặc “rồi sẽ có một người đến và đưa tay kéo họ ra khỏi những đau khổ”, “ người đó sẽ bảo vệ mình, sẽ bù đắp lại những mất mát của cuộc đời mình”,.. đôi khi có tác dụng ngược.
Khiến họ có các hành vi như kiểm soát bản người yêu quá mức, luôn yêu cầu người yêu mình phải yêu thương họ vô điều kiện, luôn sợ hãi sự chia lìa, luôn nghi ngờ và đề phòng những mối quan hệ xung quanh của người yêu, luôn thấy cô đơn hay đôi lúc nghĩ rằng người yêu không hiểu mình,..
Khiến họ liên tục có các hành vi như chỉ trích người yêu, yêu cầu – đòi hỏi người yêu, đặt nặng trách nhiệm quan tâm đến cảm xúc của mình cho người yêu,.. và kết quả là họ liên tục đánh mất đi những người quan trọng trong cuộc đời mình. Sau đó họ lại trở về với vòng luẩn quẩn “mình không xứng đáng, không có giá trị” để người khác cần mình.
Thực ra nếu như bạn cảm thấy bạn là một người đang bị mắc kẹt trong vấn đề này, bạn nên dùng tình yêu mà bạn không ngừng trao đi cho người khác đó bù đắp lên cho bản thân. Bạn đã từng quan tâm và chạy Theo một người nhiều như thế nào? Hãy dùng hết những điều đó lên chăm lo cho cảm xúc và cuộc sống của bạn.
Tìm hiểu xem bạn muốn là ai? Bạn thích gì? Điều gì làm bạn hạnh phúc, vui vẻ? Điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn và dễ chịu? Điều gì mà bạn thực sự có thể sống , có thể chết vì nó? Một khi bạn thực sự vui vẻ khi ở một mình, cười vào những điều bạn làm, tự hào về lối sống của bản thân, muốn chia sẻ điều mà bạn thực sự quan tâm với những người khác. Khi đó bạn sẽ thấy tình yêu của bạn đối với người khác cũng sẽ thay đổi theo.
Thay vì luôn luôn lo sợ người yêu của bạn sẽ phản bội bạn và bị cám dỗ bởi người thứ 3, bạn sẽ có thể suy nghĩ rằng “nếu như người ấy không cần mình nữa, có nghĩa là họ không nhận ra giá trị của mình, tại sao mình phải lo sợ và đau khổ?”
Thay vì nghĩ rằng “Người đó sẽ không cho mình thứ abc xyz” , bạn sẽ nghĩ rằng “mình có thể tự tìm kiếm những thứ đó, điều mình cần ở người ấy chỉ là sự hiện diện và quan tâm của anh”.
Thay vì tốn hàng giờ đồng hồ ngồi suy nghĩ xem “mình đã làm gì sai để bị người đó không quan tâm nhiều đến mình như vậy”, bạn sẽ đi vào bếp pha một cốc cà phê hoặc trà, tìm một cuốn sách hay một bộ phim, quăng điện thoại qua một bên và tận hưởng cảm giác vui vẻ từ những điều bạn thích.
Thay vì cắt đứt những buổi gặp gỡ bạn bè và xa lánh người thân chỉ vì người yêu bạn luôn dính lấy bạn, hoặc lo lắng bạn sẽ “quên” họ. Bạn sẽ tìm được một mối quan hệ mà ở đó người kia cũng tôn trọng bạn như cách mà bạn tôn trọng và yêu thương bản thân. Họ sẽ tôn trọng thời gian riêng tư và các mối quan hệ xã hội của bạn, như cách mà bạn tôn trọng anh ấy.
Tìnnh yêu với bản thân chính là tình yêu vững chãi nhất, là nơi bạn có thể an ủi chính mình, có thể nâng đỡ chính mình. Là sức mạnh mà bạn có thể dùng để chống lại những con người tiêu cực trong cuộc sống, là biết đặt ra những rào chắn an toàn để bảo vệ bản thân bởi những yêu cầu của người khác.
Là sự mềm mại dịu dàng mà bạn có thể trao đến cho những người mà bạn yêu thương, trân trọng. Bạn sẽ không ép bất cứ ai phải làm theo ý bạn, vì bạn biết rằng người duy nhất phải làm theo ý bạn chính là bản thân mình.
Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychology facts – tâm lý học Việt Nam