“Lời Nói” Giúp Người Khác Đánh Giá Nhân Cách Của Bạn
Nói năng nhanh nhẹn có thể trở thành “điểm cộng” ưu tiên nhưng cũng có thể biến thành “điểm trừ” thảm họa nếu bạn phạm những lỗi bị đánh giá là thiếu tế nhị sau.
Từ khi được sinh ra cho tới ngày trưởng thành, tính cách, tầm nhìn và quan điểm sống của mỗi người dần dần được hình thành theo thời gian và chúng có liên quan mật thiết đến môi trường cũng như nền giáo dục mà họ nhận được suốt thời thơ ấu. Sau khi tiếp xúc với xã hội, chúng ta lại tiếp tục được mở mang tầm mắt, được tiếp xúc với càng nhiều người và càng nhiều chuyện, từ đó tiếp tục phát triển năng lực đối nhân xử thế của riêng mình.
Trong xã giao, phương thức xúc tiến tình cảm và xây dựng quan hệ nhanh nhất chính là thông qua các bữa ăn. Đại đa số mọi người thích tụ tập ăn uống, thông qua đó để kết bạn và mở rộng vòng tròn quan hệ với những người xung quanh. Thông qua cuộc nói chuyện, đôi bên sẽ hiểu nhiều hơn về nhau, không chỉ những ưu điểm mà cả khuyết điểm của bạn cũng có thể vô tình bị bộc lộ. Lời ăn tiếng nói của bạn sẽ là căn cứ đầu tiên để người ta đánh giá bản lĩnh đằng sau. Đặc biệt, khi gặp gỡ với những người chưa thật sự thân quen, vừa bắt đầu xây dựng quan hệ, chúng ta nên tránh 3 câu có thể sẽ khiến người nói bị đánh giá thấp sau đây:
Xem thêm:
- 10 Nỗi Sợ Hãi Phổ Biến Có Thể Bạn Đang Mắc Phải
- Giới Thiệu Về Trường Phái Tâm Lý Học Hành Vi Con Người
1. Hỏi ngay người ta làm gì, đang sống ở đâu
Đừng nhầm lẫn giữa thẳng thắn và kém tế nhị trong quá trình giao tiếp, trò chuyện với người khác. Với những người vừa mới gặp mặt, câu hỏi về công tác, gia đình hay nhà ở của họ có thể đem lại cảm giác tương đối thiếu thiện cảm, thậm chí là gây khó chịu mặc dù mục đích của bạn không có gì xấu cả.
Những người có nghệ thuật giao tiếp sẽ hiểu rằng, công việc đại diện cho địa vị cũng như giá trị trong xã hội của một người, gia đình và nhà ở liên quan đến quyền riêng tư của đối phương. Đây đều là những vấn đề có thể khiến đối phương không thoải mái khi chia sẻ cho người vừa quen biết. Cho dù bạn chỉ dùng chúng như một lời mở đầu để gợi mở cuộc trò chuyện thì đó cũng không phải một lựa chọn tinh tế. Thay vì đào sâu vào cuộc sống của họ, bạn nên chuyển chủ đề sang một số sở thích chung, mối quan tâm chung về vấn đề nào đó để đưa đẩy câu chuyện thuận lợi hơn.
2. Nói quá nhiều về bản thân
Người xưa có câu “Người nói phải có người nghe”. Thật vậy, việc bạn nói quá nhiều hay không tạo cơ hội trình bày ý kiến cho đối phương thì chẳng khác nào bạn tự nói chuyện một mình. Khi trao đổi với mọi người, bạn có thể kể một vài chuyện của bản thân cho sinh động, thú vị nhưng đừng kể quá nhiều vấn đề thuộc về riêng tư cá nhân. Điều này có thể làm phiền một số người mới quen, vì không phải ai cũng muốn bỏ thời gian ra nghe bạn tâm sự.
Xem thêm: Các Tâm Lý Học Hành Vi Về Nhân Cách Phổ Biến Trên Thế Giới
Một số người lại thích khoe khoang về công việc, về vị thế của mình trong kinh doanh hoặc giá trị của mình trong xã hội. Họ lầm tưởng điều đó sẽ khiến người khác đánh giá cao mình hơn nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại, đối phương có thể cảm thấy bối rối, không muốn tham gia câu chuyện hoặc đơn giản là không thích thái độ khoe khoang của bạn.
3. Kể về mối quan hệ của mình với người khác
Một vài bạn chung giữa hai người mới gặp có thể là “cầu nối” xuất sắc để kéo gần quan hệ nhưng việc chúng ta liên tục đề cập đến người khác và mối quan hệ sâu sắc của mình với người đó, nhất là khi người đó không có mặt tại đây, lại là thói quen nên hạn chế trong giao tiếp. Bạn cần phải hiểu rằng, cuộc nói chuyện này được đặt ra như một tiền đề để hai bên trao đổi, tìm hiểu về nhau với mục đích kết bạn hoặc hợp tác sau này. Chính vì thế, họ có nhu cầu biết về bạn, chứ không phải mối quan hệ giữa bạn với ai đó.
Có thể thấy rằng, trong một cuộc giao tiếp, không chỉ cách nói chuyện mà nội dung bạn muốn đưa ra cũng có vai trò rất quan trọng. Chỉ một câu hỏi vô tình nhưng thiếu tế nhị cũng có thể khiến bạn “mất điểm” trong mắt người khác. Mà ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng khó phai nhất.
Xem thêm: 9 Ảo Tưởng Mà Ta Thường Dùng Để Dối Gạt Bản Thân
Hãy suy nghĩ đến tâm trạng của người đối diện rồi tự đặt bản thân vào trường hợp tương tự trước khi nói bất cứ điều gì. Nếu bạn đang chán nản, khó chịu, mệt mỏi, hay tỏ ra hào hứng, quan tâm đến vấn đề người khác nói, biểu hiện trên khuôn mặt cũng như cử chỉ sẽ thay đổi hoàn toàn. Bạn sẽ biết nên nói những gì để cho người đối diện không cảm thấy bối rối.
Theo Tri thức Trẻ
Trở Về Trang: Tâm Lý Học Hiện Đại