Bốn kiểu người hướng nội có thể bạn chưa biết!
Có hàng triệu người trên thế giới, cũng đồng nghĩa với hàng triệu tính cách khác biệt. Bởi vậy, tính cách con người cũng không chỉ đơn thuần là hai nhóm hướng nội, hướng ngoại, mà bên trong mỗi nhóm lại có những nhóm nhỏ hơn nữa. Chẳng hạn, không chỉ có một loại hướng nội mà có các kiểu người hướng nội khác nhau.
Đó là lí do vì sao bạn sẽ gặp nhiều người hướng nội, nhưng không phải người nào cũng giống hệt nhau. Mặc dù những người này đều mang những nét tính cách đặc trưng của hướng nội như biết lắng nghe, thích quan sát, có phần rụt rè, trầm lắng, thế nhưng, cách biểu hiện của mỗi người lại không giống nhau. Thậm chí, những cách biểu hiện này còn khác biệt tới mức một vài kiểu người hướng nội còn dễ bị nhầm là hướng ngoại.
Càng khám phá về các kiểu người hướng nội, bạn sẽ càng thấy sự khác biệt rõ nét đến mức nào. Trong khi có những người chọn việc đọc sách để thư giãn, thì lại có những người chọn du lịch để xả stress, hay có những người ngay lập tức cạn kiệt năng lượng khi ở giữa đám đông trong khi có một số người hướng nội vẫn thấy vui vẻ trong những bữa tiệc nhưng là sự vui vẻ trong im lặng. Hôm nay, hãy cùng “vén màn bí mật” các kiểu người hướng nội phổ biến mà có thể chính bạn cũng chưa biết nhé!
1. Hướng nội xã hội
Nhóm hướng nội này còn có tên gọi tiếng Anh là Social Introvert. Trong các kiểu người hướng nội, đây là kiểu dễ bị nhầm tưởng là hướng ngoại nhất. Đó là vì những người hướng nội xã hội vẫn thường hoạt bát, tự tin trong những nhóm nhỏ như bạn thân, đồng nghiệp. Tại công sở hay các sự kiện xã hội, họ không hề tỏ ra một chút nhút nhát nào, nếu không nói là rất sẵn sàng đi hội họp ở những sự kiện văn hóa, âm nhạc hay ẩm thực,… mà họ yêu thích.
Thế nhưng, nếu chú ý kĩ, những người mang nét tính cách hướng nội xã hội này vẫn thực sự chỉ thoải mái và tự tin trong những môi trường quen thuộc. Đó là những người bạn thân hàng năm trời, là những đồng nghiệp ngày ngày chạm mặt, những sự kiện về chủ đề họ quá thấu hiểu,… Đặc biệt, những hoạt động họ lựa chọn tham gia cũng rất nhẹ nhàng, tiêu tốn ít năng lượng.
Cũng vì thế mà nhóm người này thường có xu hướng từ chối tham gia các buổi tiệc ngoại giao lớn hay những lời mời đi chơi xa cuối tuần bởi họ muốn tận hưởng không gian yên tĩnh trong thế giới của chính mình.
Xem thêm:
- Bạn Biết Gì Về Người Hướng Nội ?
- Đây là cách mà âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ và mọi việc chúng ta làm?
- 10 món quà tặng cho người hướng nội
2. Hướng nội suy nghĩ
Đúng như tên gọi, những người thuộc nhóm hướng nội suy nghĩ hay còn gọi là Thinking Introvert thể hiện đặc trưng hướng nội nhiều nhất ở cách suy nghĩ.
Trong các kiểu người hướng nội, hướng nội suy nghĩ là những người mơ mộng nhất. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp họ lạc trong những suy tưởng của chính mình. Mọi sự vật, sự việc đều được họ suy nghĩ, cân nhắc cực kì kĩ lưỡng. Vì dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ, những người hướng nội suy nghĩ có ít thời gian để xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ bên ngoài, chỉ có một vài người bạn.
Tuy nhiên, như một sự bù trừ, điểm sáng lớn nhất của nhóm tính cách này trong các kiểu người hướng nội đó là khả năng sáng tạo đột phá nhờ trí tưởng tượng quá đỗi phong phú hiếm ai bì kịp.
Xem thêm:
- Rối Loạn Tâm Lý Ở Trẻ Em, Bố Mẹ Đừng Xem Thường!
- 9 Ảo Tưởng Mà Ta Thường Dùng Để Dối Gạt Bản Thân
- Những Triệu Chứng & Hội Chứng Tâm Lý Thường Gặp
3. Hướng nội lo lắng
Hay còn có tên gọi là Anxious Introvert. Với đặc trưng là sự lo lắng, những người mang nhóm tính cách này thường né tránh các hoạt động giao tiếp càng nhiều càng tốt. Họ sẽ có cảm giác không thoải mái nếu bị người khác chú ý. Sở dĩ như vậy là những người thuộc nhóm tính cách này thường rất tự ti về bản thân mình. Vì nghĩ rằng bản thân mình quá kém cỏi, thiếu sót, họ đã tự xây rào cản giao tiếp với những người xung quanh.
Mặc dù “thế giới một mình” có thể giúp họ giảm bớt sự lo lắng, thế nhưng không có nghĩa rằng nét tính cách này trong số các kiểu người hướng nội cảm thấy tự tin hơn. Thậm chí, họ còn thường xuyên dằn vặt bản thân mình bởi những sai lầm hay thất bại trong quá khứ, dễ bị ám ảnh nếu như không thể biểu lộ ra bên ngoài.
Chính vì thế, đây có thể coi là cách biểu hiện tiêu cực nhất trong các kiểu người hướng nội. Những người mang nét tính cách này cần có được sự động viên, khẳng định từ những người khác, đồng thời tự thúc đẩy bản thân mình để có thể dễ dàng gạt đi những lo sợ, ám ảnh, từ đó, lựa chọn cách phát triển phù hợp nhất.
Xem thêm:
- Khi Tâm Lý Hành Vi Bị Ảnh Hưởng Bởi Môi Trường Sống
- 10 Dấu Hiệu Bệnh Trầm Cảm Ở Người Lớn Thường Bị Bỏ Qua Dẫn Đến Hệ Quả Nghiêm Trọng
- Lời Nói Và Sự Tổn Thương
4. Hướng nội chậm rãi
Kiểu người hướng nội cuối cùng này còn có tên tiếng Anh là Restrained Introvert. Nếu những người hướng ngoại luôn nổi bật bởi sự nhanh nhẹn, những người hướng nội thường tạo cảm giác chậm rãi, thì hướng nội chậm rãi còn là nét tính cách chậm chạp bậc nhất trong các kiểu người hướng nội.
Chậm rãi trong suy nghĩ, cẩn trọng trong từng lời nói, hành động là những nét đặc trưng của nhóm tính cách này. Thậm chí, khi muốn gia tăng sự tự tin và thư giãn, họ còn tiếp tục tự “giảm tốc độ” trong cuộc sống của chính mình. Cũng vì thế, cách nhận biết nét tính cách này dễ dàng hơn hẳn so với các kiểu người hướng nội còn lại, đó là những người hướng nội xã hội thường có dáng vẻ chậm chạp và có phần thiếu sức sống.
Tuy nhiên, cũng giống như tính cách hướng nội, các kiểu người hướng nội kể trên cũng không mang tính tuyệt đối. Bạn sẽ gặp những người là hòa trộn của hai, ba hoặc cả bốn tính cách kể trên với những cách biểu hiện khác biệt. Thế nhưng, bằng việc hiểu rõ bốn nhóm kể trên, bạn sẽ hiểu được những người hướng nội này một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Quay về trang chủ: Tâm Lý Học Hiện Đại