3 Bẫy Tâm Lý Thường Gặp ở Lừa Đảo Đa Cấp Ponzi

Chia sẻ

Bài này tôi sẽ phân tích vài góc cạnh tâm lý học, giải thích tại sao nhiều người biết mình bị lừa mà vẫn đâm đầu để bị lừa. Và tôi cũng giải thích cơ chế “bẫy tâm lý” của các ứng dụng này, khiến người chơi dính vào là khó ra.

Dạo gần đây, liên tục có các tin tức về các ứng dụng đầu tư kiếm lãi khủng lừa đảo. Nào là CoolKat, PCHome, BussTrade… Có người mẹ lấy tiền mình vay mượn chữa ung thư cho con để đầu tư, mong kiếm lời nhiều để vừa trả nợ vừa chữa bệnh cho con, nhưng rồi gần như mất trắng. Tôi thấy vừa thương vừa giận.

Tôi không hay nhờ người khác chia sẻ bài của mình. Nhưng với bài này, tôi mong các bạn hãy chia sẻ nó thật nhiều, để ai chưa dính thì đừng dính, ai lỡ dính rồi thì rút ra sớm còn kịp.

Cơ chế đa cấp Ponzi

Tuy cũ, nhưng tôi vẫn nhắc lại cơ chế hoạt động của mấy đa cấp lừa đảo kiểu Ponzi này.

Ponzi Scheme là tên phương thức lừa đảo của ông trùm Bernald Lawrence Madoff. Trước khi bị phanh phui năm 2008, ông này được giới tài chính phố Wall biết đến như một huyền thoại đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cực cao, vài chục %/năm. Bạn nên nhớ rằng ở Mỹ, lợi nhuận khoảng 10%/năm là cao rồi (lãi xuất tiền gửi ngân hàng ở Mỹ chỉ dưới 1%), trong khi Madoff cam kết lợi nhuận lên tới vài chục %/năm.

Với kiến thức tài chính thâm sâu và sự thông đồng của một số hãng kiểm toán lớn, Madoff đã làm giả báo cáo tài chính, tạo ra những con số lợi nhuận khủng và liên tục lừa nhà đầu tư từ năm 1960 tới 2008. Tổng giá trị lừa đảo lên tới 64,8 tỷ USD, đây được xem là vụ lừa đảo đa cấp quy mô nhất thế giới về giá trị cũng như thời gian.

Phía sau những báo cáo tài chính được biến hóa phức tạp, thì mô hình lừa đảo của Madoff lại đơn giản, lấy tiền người sau trả lãi cho người trước.

Cái khôn của Madoff là ông hứa hẹn lãi xuất cao, nhưng không phải là mức không tưởng, vẫn ở mức hợp lý. Nên rất nhiều nhà đầu là những chuyên gia tài chính, quỹ đầu tư lớn cũng bị lừa.

Trong khi ở Việt Nam, những mô hình lừa đảo kiểu Ponzi lại cam kết mức lãi xuất không tưởng tới vài chục %/tháng.

1. Bẫy tâm lý “kẹt chân trong cửa”

Kẹt chân trong cửa (Foot in the door) là một dạng bẫy tâm lý cơ bản nhưng hiệu quả, áp dụng được với nhiều trường hợp trong cuộc sống. Loại bẫy này sẽ khiến cho đối tượng mục tiêu sử dụng một loại mồi nhỏ trước. Với loại mồi này, đối tượng có thể trải nghiệm mà dường như không mất gì, hoặc là chỉ phải bỏ ra một chi phí rất ít. Nói chung là đối tượng sẽ thấy rủi ro khi dùng thử mồi là rất nhỏ, không đáng kể, nên cứ dùng thử, chẳng mất gì mà.

Xem thêm:  (Hawthorne Effect)- Hiệu Ứng Thay Đổi Hành Vi Con Người

Khi đối tượng dùng thử mồi, tức là đã “mắc chân nhẹ nhẹ trong cửa”, bọn lừa đảo sẽ tiếp tục đưa ra những loại mồi nặng đô hơn một chút. Đối tượng vì trải nghiệm mồi kia thấy ngon quá, nên sẽ chấp nhận trải nghiệm thêm mồi mới. Cứ thế, đối tượng ngày càng kẹt sâu trong cuộc chơi đã được sắp đặt.

Đối với các app/cty lừa đảo, chúng sẽ cho người mới tham gia đầu tư những khoản thử nghiệm chỉ vài trăm nghìn đồng. Cũng giống như Madoff, nhà đầu tư có thể đầu tư chỉ vài trăm USD. Rồi khi thấy có lợi nhuận thiệt (chắc chắn là có lợi nhuận vì bọn chúng sẽ chăm sóc nhóm này rất kỹ), người chơi sẽ thấy ham, thấy sao kiếm tiền dễ quá, nên sẽ đầu tư thêm một ít, một ít nữa, rồi lại một ít nữa, đến lúc khoản đầu tư phình to lúc nào không biết.

Rồi khi con mồi đã lớn, bọn chúng sẽ có chiến thuật bào khác. Lúc này con mồi đã kẹt quá sâu, đã tin tưởng, bọn chúng liền đề xuất một khoản đầu tư mới với lãi xuất hấp dẫn khủng khiếp hơn so với mức lãi xuất cũ, tất nhiên khoản đầu tư mới này sẽ khá là to to. Con mồi liền moi móc hết tài sản, bán đất, bán xe, cầm cố nhà cửa, vay nợ ngân hàng, cả vay nặng lãi để đầu tư.

Và cứ thế, cứ mỗi khi con mồi lớn thêm một cấp. Bọn chúng lại bào theo kịch bản trên. Yêu cầu đầu tư thêm một khoản to to, để nhận thêm lợi nhuận kếch xù.

2. Tâm lý đám đông – mọi người làm được, mình cũng làm được

Mấy bọn lừa đảo này hay lập ra những nhóm nhà đầu tư. Mỗi nhóm này sẽ có 1 leader, có thể thuộc bọn đầu sậu, hoặc là những người đã tham gia quá sâu, quá tin vào mô hình. Hàng ngày, các leader này sẽ cập nhật “tình hình đầu tư” với các khoản lợi nhuận nhảy liên tục, các thành viên khác (thường là những người cũng đã kẹt quá sâu) cũng cập nhật theo. Điều này khiến cho những nhà đầu tư mới cảm thấy tin tưởng vì mọi người quanh mình đều đang kiếm tiền quá dễ, thế là mạnh tay đầu tư thêm.

3. Phóng lao thì phải theo lao – biết bị lừa nhưng vẫn để bị lừa

Nhiều người biết mình bị lừa, biết mô hình mình đang tham gia là lừa đảo nhưng vẫn đầu tư thêm vì nghĩ rằng “mình sẽ rút vốn ngay khi có “biến”, hưởng lãi ngày nào hay ngày đó”. Tuy nhiên, khi có biến thì đã quá muộn, còn gì đâu mà rút.

Xem thêm:  5 Cách Đơn Giản Để Vượt Qua Lo Lắng

Còn có người biết mình không rút tiền ra được, nên lôi kéo bạn bè, người thân tham gia để hưởng hoa hồng, gỡ gạt lại khoản đã đầu tư. Thành ra tiếp tay cho bọn lừa đảo, đi giúp bọn nó lừa thêm người.

A lê hấp – Bùm, nhà ảo thuật biến mất!

Mô hình Ponzi này trước sau cũng sập vì đến một lúc nào đó số tiền đầu tư mới sẽ không đủ để trả lãi xuất khủng kia, tôi gọi đây là điểm Bùm.

Với Madoff, vì ông cam kết mức lợi nhuận không phải quá khủng và lượng nhà đầu tư quá lớn nên ông tồn tại được gần 50 năm. Nhưng ở Việt Nam, với mức lợi tức kinh khủng kia, một mô hình lừa đảo sẽ sống được khoảng 2 – 5 năm. Một số khác có thể sống lâu hơn vài năm.

Khi tới điểm Bùm, bọn lừa đảo sẽ biến mất như ảo thuật gia. Ứng dụng sẽ không giao dịch được, văn phòng công ty sẽ là vườn không nhà trống. Và nhà đầu tư sẽ bấn loạn như ong vỡ tổ.

Miếng phô mai miễn phí chỉ ở trên bẫy chuột

Chẳng có gì là miễn phí cả. Cũng chẳng có gì có thể tạo ra lợi khủng một cách dễ dàng như là click click vài cái nút vớ vẩn, hay chỉ việc nạp tiền rồi ngồi đó rung đùi nhận tiền tấn.

Nếu có mô hình kinh doanh nào mang lại lợi nhuận khủng như vậy, thì các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các cá mập cá voi đã hốt hết rồi. Không có cửa cho mấy bạn bỉm sữa, mấy cô chú nông dân, mấy anh công nhân… vào ngồi chung mâm đâu.

Hãy hoài nghi

Sau đây là một vài điểm chung của những mô hình lừa đảo kiểu Ponzi này:

1 – Lãi xuất khủng long trả theo ngày, tháng. Mức lãi xuất vài %/ngày và vài chục %/tháng thì 99,999999% là lừa đảo.

2 – Kêu gọi đầu tư từ những nhà đầu tư không có kiến thức kinh doanh và tài chính. Nếu bạn thấy xung quanh bạn toàn những nhà đầu tư kiểu nông dân, công nhân, nội trợ, bỉm sữa, người già, sinh viên, người lao động chân tay… thì hãy cẩn thận. Tại sao với mức lợi xuất khủng như vậy, sao họ không gọi vốn từ ngân hàng hay quỹ đầu tư với lãi xuất rẻ hơn rất nhiều?

3 – Yêu cầu chuyển khoản đầu tư vào tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản công ty.

4 – Kêu gọi bạn giới thiệu thêm nhà đầu tư mới để hưởng hoa hồng khủng (thường là vài chục %). Bọn chúng cần nhà đầu tư mới để có tiền trả cho nhà đầu tư cũ, nên bọn chúng sẽ tìm mọi cách để bạn giới thiệu thêm con mồi cho chúng.

Xem thêm:  Hiệu Ứng Ánh Đèn Sân Khấu ( Spotlight effect)

Còn nhiều dấu hiệu khác, nhưng 4 cái trên là đủ để xác định 1 bọn lừa đảo rồi.

Bọn chúng có thể thuyết phục bạn là mô hình kinh doanh của bọn chúng là tiến bộ, công nghệ tương lai đột phá các kiểu (ở ngoài kia, các quỹ đầu tư có hàng tá giáo sư tiến sỹ khoa học để thẩm định tính khả thi của dự án/công nghệ, tại sao họ không chọn để đầu tư?) Hay là bọn chúng được quốc gia nào đó cho một mỏ vàng giờ cần tiền khai khác nên kêu gọi đầu tư. (Có nước nào khùng đến nỗi giao cho thằng không có khả năng tài chính đi khai thác tài nguyên quốc gia không?)

Bọn chúng sẽ vẽ ra những bức tranh màu hồng rực rỡ. Nhưng tựu lại thì sẽ luôn có 4 điểm bên trên. Hãy thẳng thừng từ chối nhé.

Lời kết

Lòng tham và sự ngu dốt của con người luôn tồn tại, vì thế các mô hình lừa đảo kiểu này sẽ không bào giờ mất đi. Nó chỉ thay mới lớp áo, biến tướng đi một chút, nhưng về bản chất vẫn như vậy.

Vì thế, hãy cẩn thận.

Nếu lỡ dính vào rồi thì hãy rút ra ngay, khi còn có thể. Đừng mê muội nữa, thức tỉnh đi mà làm người. Đời người ai cũng ngu dốt vài lần. Biết mình dốt để mà dừng lại cũng đã là khôn rồi. Đừng để nhúng chàm quá sâu rồi phải đi lừa bạn bè, lừa người thân. Ngập ngụa trong nợ nần, âu lo, tội lỗi, thân tàn ma dại. Hãy lấy người mẹ bên trên làm bài học. Chị ấy đã lấy hết tiền chữa bệnh cho con, vay thêm ngân hàng, người thân để đầu tư rồi mất trắng.

Nếu chưa dính, nếu đang bị dụ dỗ, thì hãy dứt khoát từ chối.

Mong rằng bài viết này sẽ được chia sẻ đến nhiều bạn đọc để bớt đi phần nào những trường hợp đau lòng như người mẹ kia.

Nguồn: Tâm Sự Kẻ Khởi Nghiệp


Chia sẻ