2 Điều Về Tâm Lý Tình Yêu Tuổi Học Trò Mà Bạn Cần Biết
“Kẻ ngồi trước, người ngồi sau…
Áo sơ mi của bạn nam bắt đầu xuất hiện vết mực xanh…
Quay đầu lại, nụ cười của bạn nữ khiến cho bạn nam nhớ nhung rất nhiều năm, đi theo cả một đời.”
Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (Cửu Bả Đao).
Tình yêu tuổi học trò chắc hẳn không phải 1 khái niệm gì xa lạ đối với tôi, với bạn, với mỗi chúng ta. Ai từng ngồi trên ghế nhà trường, ai từng trải qua những năm tháng tuổi thiếu niên mà chẳng có trong tim những rung động với cô nàng hay anh chàng cùng lớp cùng trường. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu về tâm lý tình yêu tuổi học trò, và tình cảm ở lứa tuổi này là tốt hay xấu?
1. Nguyên nhân nảy sinh tình cảm học đường
Để bắt đầu tìm hiểu tâm lý tình yêu tuổi học trò, trước hết ta cần hiểu được tại sao trong giai đoạn “mỗi ngày cắp sách tới trường” này, chúng ta lại có những rung động tình cảm với bạn khác giới.
Thực chất, việc tình yêu tuổi học trò xuất hiện là kết quả thường thấy của việc thay đổi tâm sinh lí ở con gái và con trai.
Sau 10 tuổi chúng ta đã có nhận thức mơ hồ về giới tính cũng như sự hấp dẫn giới tính, bắt đầu thấy tò mò và thích thú đối với sự khác biệt và mối quan hệ giữa hai giới.
Từ 14 – 15 tuổi trở đi, sự gia tăng nhanh chóng của các hooc-môn sinh dục cùng với nhận thức rõ hơn về giới tính đã thôi thúc chúng ta nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Lúc này, ta đã bắt đầu hình thành khái niệm “thích”, “yêu”, “kết”, “cặp đôi”.
Đặc biệt, cảm xúc của con người ở độ tuổi này lúc này cực kỳ nhạy bén và dễ thay đổi. Bạn có nhớ lúc mình còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn dễ dàng say nắng 1 chàng trai giỏi đàn ghi ta, hay ngay lập tức thích 1 cô nàng cười có 2 lúm đồng tiền duyên dáng; nhưng ngay ngày hôm sau, bạn đã đổi đối tượng “crush”?
Đó chính là những đặc điểm tâm lý tình yêu tuổi học trò mà ta thường thấy: dễ bắt đầu, cũng dễ thay đổi, dễ tan vỡ.
Xem thêm:
- 2 Điều Về Tâm Lý Tình Yêu Tuổi Học Trò Mà Bạn Cần Biết
- Đừng coi nhẹ việc tư vấn tâm lý tình yêu học đường
2. Vậy tình yêu học đường là điều tốt hay xấu?
a. Điều tốt đẹp đến từ tình yêu học đường
Đa số những bạn trẻ có tình cảm với nhau lúc còn trên ghế nhà trường đều không được thầy cô và gia đình ủng hộ, thậm chí còn bị phản đối gay gắt. Nhưng nếu bạn đã từng có một mối tình thời đi học, bạn sẽ hiểu được tâm lý tình yêu tuổi học trò, bạn sẽ biết rằng:
Tình cảm học đường ấy là 1 trong những rung động đầu đời trong sáng, đơn thuần nhất mà những mối tình sau này của bạn chắc chắn không thể đem lại cảm giác tương tự.
Ngày ấy, có cô gái cảm mến 1 chàng trai vì anh chàng học giỏi Toán nhất lớp. Ngày ấy, có chàng trai thầm thương cô bạn lớp trưởng vì cô nàng chu đáo quan tâm các bạn cùng lớp. Ngày ấy, có 2 người ngồi cùng bàn cãi nhau suốt ngày, nhưng rồi lại e thẹn nắm tay nhau đi trên sân trường vàng rực nắng hạ,…
Rung động đầu đời của những năm tháng chúng mình chẳng phải toan lo nhiều bộn bề cuộc sống, chính là khoảng kí ức mà sau này nhớ lại đều khiến chúng mình bật cười vui vẻ.
Không chỉ vậy, tâm lý tình yêu tuổi học trò là nếu bạn học kém hơn người kia, bạn sẽ mong muốn học thật chăm chỉ để có thể trở thành bạn học ăn ý với “bạn ấy”. Không có một nguồn động lực học tập nào lớn hơn việc có 1 người học cùng mình, và người ấy lại là người mình thích.
Hơn nữa, tuổi trẻ chẳng phải càng điên rồ thì càng đáng nhớ hay sao? Khi ôm trong lòng sự cảm mến ai đó, những cô cậu học trò không ngại ngần làm nhiều điều ngốc nghếch để thu hút sự chú ý của đối phương, và đó chính là những điều mà sau này bạn sẽ bật cười khi nhớ về đấy.
b. Mặt tối phía sau tình yêu học trò
Lý giải tâm lí tình yêu tuổi học trò không chỉ để nhìn ra những điểm sáng của nó, mà còn để rút ra bài học từ những mặt tối phía sau kiểu tình cảm này.
Xem thêm: Những cuốn sách hay về tâm lý học tình yêu
Không thể phủ nhận rằng tình cảm ở tuổi mới lớn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên việc học hành. Ở tuổi mà nhiệm vụ chính của bạn là học tập, rèn luyện và phát triển bản thân mà bạn lại không biết cân bằng nó với chuyện tình cảm thì bạn sẽ rất dễ sa sút kết quả trường lớp.
Tình yêu tuổi mới lớn cũng có rất nhiều khó khăn. Trong tình yêu khó tránh khỏi những cãi cọ nhỏ. Khi xảy ra những trắc trở, cãi cọ, đổ vỡ,…nếu các bạn không biết tự điều khiển cảm xúc sẽ khiến các bạn mệt mỏi. Mặt khác, những tình yêu sớm để giữ được lâu bền cũng không dễ dàng. Khi bị phản bội, chia tay,… nó có thể để lại nhiều tổn thương tâm lý hoặc ảnh hưởng đến tình yêu sau này.
Có những khi, tình yêu học trò đi ra khỏi giới hạn. Khi tình cảm học đường không còn trong sáng như nó vốn nên thế, và nhiều bạn trẻ chưa có đủ nhận thức về các biện pháp an toàn khi tiến xa trong mối quan hệ, điều này để lại hậu quả rất tiêu cực nếu như bạn nữ có thai. Nó không chỉ ảnh hưởng tới việc đi học nữa, mà có thể để lại tổn thương lớn về mặt cơ thể hoặc tinh thần, và tác hại không nhỏ lên tương lai của thanh thiếu niên.
Có thể nói, tình cảm học đường chính là 1 trong những tình cảm đẹp đẽ, đơn thuần, trong sáng nhất. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt lợi hại của nó. Và điều quan trọng là các bạn trẻ phải cân bằng được thời gian dành cho học tập cũng như chuyện tình cảm. Hãy để tình yêu dưới mái trường trở thành động lực cho bạn phát triển bản thân hơn, để sau này, khi nhớ về nó, bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc, chứ không phải là những thở dài nuối tiếc.
Mong là, qua bài viết này, bạn đã hiểu được phần nào tâm lý tình yêu tuổi học trò, để biết cách hành xử sao cho đúng, và để nhìn nhận chuẩn xác hơn về thứ tình cảm đầu đời này.
Phạm Thúy Nga
Quay về trang: Tâm Lý Học Tình Yêu